Tổng quan Tính_điểm_trong_Mạt_chược_Nhật_Bản

Trong mạt chược Nhật Bản, người chiến thắng của trận đấu là người có số điểm cao nhất sau khi kết thúc tất cả các ván đấu. Những sự thay đổi điểm số trong từng vòng đấu thường xuyên diễn ra và việc tính toán dựa trên chiến thắng của người chơi tại vòng gió đó tương đối phức tạp; khi những người chơi lâu năm có thể tính toán số điểm nhanh, thì những người mới học chơi sẽ mất nhiều thời gian hơn và khó có thể làm đúng ngay từ đầu; chính quy tắc tính điểm là một trong những rào cản lớn trong việc tự học chơi mạt chược. Mặc dù việc tính toán đã được tự động khi chơi mạt chược trực tuyến, biết các quy tắc tính điểm cũng sẽ giúp người chơi đưa ra các quyết định tốt hơn trong ván đấu của mình, đặc biệt là khi tới cuối ván đấu.

Vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX, mạt chược Nhật Bản không có nhiều yaku như ngày nay, khi mà chỉ có Yakuhai, Honitsu, Chinitsu và các yaku tương đương với yakuman ngày nay. Về sau, số lượng yaku càng ngày được mở rộng hơn để có thể tạo ra các ván mạt chược hấp dẫn hơn, nhưng khi đó vẫn chưa có Riichi và dora, số điểm cao nhất có thể đạt được với một ván bài là mangan.

Khi Riichi xuất hiện cùng với dora, quy tắc làm tròn số fu và có thêm các yaku mới, việc tính điểm bắt đầu xoay quanh hai đơn vị chính là han và fu, từ đó cũng xuất hiện các quy tắc quan trọng để tính điểm như ngày nay là khi bài người chơi đã có đủ 5 han, việc tính fu không còn quan trọng nữa.[1] Trên thực tế, kể cả khi chơi mạt chược phi vật lý, giá trị han của các yaku và dora luôn được chú thích rõ ràng đối với người chơi.